Tổng quan thị trường
Với dân số 265 triệu dân, 171 triệu người Indonesia đã và đang truy cập Internet (số liệu năm 2018). Con số này đại diện cho 65% dân số và mức tăng trưởng 18% so với năm trước đó, điều này làm Indonesia trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất thế giới. Trong số những người dùng này, mới chỉ 1/4 trong số họ tham gia vào các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), khiến đất nước còn nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.
Ước tính hiện tại giá trị ngành TMĐT tại Indonesia là 8 tỷ USD, với kỳ vọng sẽ phát triển gấp 8 lần vào năm 2022. Với sự xâm nhập của hai “ông trùm” TMĐT Đông Nam Á: Lazada & Shopee và sự tham gia của các công ty khởi nghiệp TMĐT địa phương như Bukalapak và Tokopedia, không khó để phát hiện những thay đổi đang diễn ra ở đất nước này.
Sự chuyển dịch sang các kênh chính thức
Trước khi các nền tảng TMĐT trở nên quen thuộc với người Indonesia, mọi người sử dụng các kênh xã hội để mua và bán hàng hóa. Về cơ bản, bất kỳ nền tảng nào cho phép đăng hình ảnh và văn bản đều có thể trở thành một kênh bán hàng, từ Facebook, Twitter, Line đến Whatsapp và Instagram. Mặc dù việc mua sắm trên các kênh này là miễn phí và tiện lợi, độ tin cậy của chúng còn nhiều nghi vấn khi những lời phàn nàn về sản phẩm chất lượng kém và đánh giá không đáng tin cậy cứ thế chồng chất.
Vào năm 2016, các kênh không chính thức chiếm 36% thị phần trong tổng các giao dịch TMĐT. Sau hai năm, con số này giảm đáng kể xuống còn 19%, báo hiệu sự thống trị của các kênh chính thức trong lĩnh vực TMĐT. Mệt mỏi vì các trải nghiệm kém trên các kênh xã hội, người Indonesia đang dần đặt niềm tin vào các nền tảng chính thức, điều này thể hiện qua tổng lượng hàng hóa (GMV) trên các sàn TMĐT là 13,5 tỷ USD trong tổng số 16,5 tỷ USD của ngành.
C2C đối đầu B2C
Với cùng một lý do khi chuyển sang các kênh chính thức, người tiêu dùng Indonesia được cho là bắt đầu mua nhiều hơn từ các cửa hàng và thương hiệu. Hiện tại, thị trường đang được thống trị bởi mô hình kinh doanh khách hàng tới khách hàng (C2C) với 80% tổng GMV, với 20% ít ỏi cho mô hình doanh nghiệp tới khách hàng (B2C). Tuy nhiên, mô hình B2C được dự đoán sẽ mở rộng nhanh chóng với các chương trình khuyến mãi khủng từ cả 4 nền tảng TMĐT lớn ở Indonesia. Tập trung vào các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và cá nhân, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), tạp hóa và điện tử, mô hình B2C được dự kiến sẽ chiếm 35% thị phần trong tổng thị trường bán lẻ trực tuyến.
Yếu tố hậu cần logistics
Một cuộc khảo sát của Redseer xác định rằng lý do quan trọng nhất khiến người dùng internet còn ngần ngại mua sắm trực tuyến chính là khâu giao hàng. Với điều kiện địa lý đặc thù của Indonesia, người dân vô cùng e ngại phí giao hàng cao, thời gian chờ đợi lâu và lượng tồn kho sản phẩm. Mặt khác, người tiêu dùng TMĐT lại coi trọng sự tiện lợi và giá cả hấp dẫn nhất. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp TMĐT nên tập trung phát triển hệ thống hậu cần nội bộ hoặc hợp tác với các nhà cung cấp 3PL.
Phương thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (CoD) được 25% người mua hàng online chọn, nhưng các trang TMĐT địa phương như Tokopedia và Bukalapak vẫn chưa cung cấp tùy chọn này. Để tiếp cận những khách hàng tiềm năng với khả năng thanh toán hạn chế, CoD nên được các nền tảng này áp dụng.
Kết luận
Các chuyên gia dự đoán GMV của quốc gia này sẽ đạt 58 tỷ USD vào năm 2023, khẳng định đây là một trong những thị trường TMĐT bùng nổ nhất. Viễn cảnh này được hỗ trợ bởi sự phát triển của các mô hình kinh doanh, mạng lưới hậu cần và sự đa dạng ngành hàng. Bạn đã sẵn sàng trở thành một phần của cơ hội 58 tỷ USD này chưa?
Nguồn: RedSeer Management Consulting Pvt. Ltd.
Boxme là mạng lưới dịch vụ hậu cần hỗ trợ thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á, giúp người dùng triển khai các chiến dịch bán hàng online xuyên biên giới theo cách dễ dàng và tiết kiệm chi phí nhất