Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng bứt phá do sự phát triển sau muộn so với các nước trên thế giới. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây sẽ là thị trường màu mỡ cho các nhà đầu tư.

Thương mại điện tử Việt Nam: “Miếng bánh thơm” của nhà đầu tư!
Tại Việt Nam, thị trường bán lẻ trực tuyến và thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá là “miếng bánh thơm” đầy sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Theo báo cáo của Nielsen tại VOBF 2017, 45% người dân Việt Nam tiếp cận internet với thời gian truy cập trung bình 2 giờ/ngày.  Thêm vào đó, hội thảo Creative Commerce 2017 thống kê 91% người dân sở hữu điện thoại thông minh và nhận định sự nổi lên nhanh chóng của các thiết bị kết nối (smartphone, tablet). Đây là những yếu tố quan trọng góp phần chuyển dịch nhu cầu mua hàng trực tuyến.

Theo những điều kiện thuận lợi trên, thị trường TMĐT Việt Nam phát triển ổn định trong những năm gần đây và được kỳ vọng bứt phá trong tương lai. Theo Kantar Worldpanel (2017), thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn thể hiện sức hút và tiềm năng phát triển rất lớn. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thuộc top đầu thế giới với con số ổn định 35%/năm, chỉ đứng sau Thái Lan và Malaysia nhưng dẫn trước những quốc gia phát triển công nghệ như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Nếu trong năm 2013, doanh thu từ các giao dịch trực tuyến chỉ đạt mức 2,2 tỷ USD thì 3 năm sau con số đã tăng lên 4 tỷ USD, chi tiêu bình quân khi mua hàng online tăng từ 120 USD/người lên 160 USD/người.  Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng tốc độ tăng trưởng của TMĐT tại Việt Nam có thể đạt đến 50% trong năm 2020, hứa hẹn là một mảnh đất màu mỡ dành cho các nhà đầu tư. Nhận định của ông Tuyến hoàn toàn có cơ sở nếu thị trường vẫn thuận theo đà phát triển hiện tại, sự bùng nổ mạnh mẽ của TMĐT là điểu không khó đoán trong tương lai.

Cơ sở hạ tầng cho thương mại điện tử ngày càng hoàn thiện
Thanh toán trực tuyến đang ngày càng phổ biến
Theo số liệu từ ngân hàng nhà nước, số lượng thẻ ngân hàng phát hành đang tăng lên nhanh chóng, giá trị giao dịch thẻ tăng trưởng liên tục và ổn định. Tính đến 6/2017, số lượng thẻ phát hành đạt mức trên 121,5 triệu thẻ.

Bài viết liên quan: Xu hướng thanh toán không bằng tiền mặt

Thêm vào đó, hầu hết các ngân hàng đã tích hợp nhiều tính năng, ưng dụng thanh toán trực tuyến trực tiếp các dịch vụ như: tiền điện, tiền nước, bảo hiểm, phí viễn thông, giao thông, mua hàng trực tuyến. Ngoài ra, theo xu hướng thị trường, hơn 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 39 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Có thể thấy, cơ sở hạ tầng đáp ứng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt đang dần hoàn thiện để đảm bảo các hoạt động thanh toán diễn ra an toàn và nhanh chóng.

Dịch vụ vận chuyển vẫn trong quá trình nâng cao chất lượng
Để hỗ trợ cho TMĐT Việt Nam phát triển vững chắc, ngày càng nhiều doanh nghiệp phục vụ dịch vụ vận chuyển gia nhập thị trường như Shipchung.vn, Giaohangtietkiem, Giaohangnhanh,…Ngoài ra, sự có mặt của dịch vụ vận chuyển theo yêu cầu (On-demand) – điển hình như Ahamove, kết nối xe tải dịch vụ với người dùng tương tự mô hình của Grab và Uber. Tất cả dịch vụ vận chuyển đã góp phần đẩy tốc độ quá trình luân chuyển hàng hóa, đáp ứng mong đợi của khách hàng, đồng thời tăng sự hài lòng của khách hàng về dịch vụ mua sắm trực tuyến.

Dịch vụ hoàn tất đơn hàng “chớm nở”
Các quốc gia phát triển trên thế giới đã quen thuộc với dịch vụ hoàn tất đơn hàng (fulfillment) và dịch vụ này là nhân tố sống còn trong những cuộc cạnh tranh khốc liệt. Đây cũng được xem là giải pháp trong kinh doanh cả trong nước lẫn quốc tế của các trang thương mại điện tử lớn như Amazon, Target, Walmart,…. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của VECOM, khái niệm fulfillment đối với người Việt Nam vẫn còn mới mẻ trong giai đoạn trước năm 2016. Từ sau năm 2016, dịch vụ này mới dần được biết đến, tìm hiểu và khai thác do yêu cầu bắt buộc đến từ sự phát triển của thương mại điện tử.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *