Thương mại điện tử (TMĐT) và tài chính công nghệ (Fintech) là 2 ngành kinh tế trên nền tảng công nghệ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc lên đến tỷ đô cho nền kinh tế. Đây cũng là “mảnh đất lành” được nhiều startup lựa chọn để phát triển.
Lợi thế phát triển ổn định của thương mại điện tử
Trong thời đại 4.0 hiện nay, thương mại điện tử góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy thị trường tiêu dùng nội địa, thậm chí phát triển cả ra bên ngoài biên giới. Từ năm 2015 cho đến nay ngành thương mại điện tử luôn có sự tăng trưởng cao và đều đặn.
Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổng hợp, ngành TMĐT trong năm 2018 đã phát triển khá hoàn thiện với tốc độ tăng trưởng 30%. Mục tiêu đạt 10 tỷ đô la doanh thu trong năm 2020 trong phân khúc B2C (business to customer – doanh nghiệp với khách hàng) nêu trong Kế hoạch phát triển TMĐT từ 2016-2020 được Hội (VECOM) đánh giá là hoàn toàn khả thi.
Với sự phát triển nhanh chóng của các sàn TMĐT lớn như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, Adayroi,…ngành TMĐT đang đặt mục tiêu cố gắng tăng gấp đôi quy mô từ 7,5 tỷ đô trong năm 2018 lên 15 tỷ đô trong năm 2025.
Tính đến hết năm 2018, riêng sàn TMĐT Lazada đã được tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) rót vốn đến 4 tỷ đô la. Còn sàn TMĐT Shopee Việt Nam cũng được tăng thêm 50 triệu đô la vốn điều lệ từ công ty mẹ SEA (40% cổ phần của SEA là thuộc tập đoàn Tencent của Trung Quốc). Cho tới thời điểm hiện tại, SEA đã đầu tư cho Shopee 500 triệu đô la để mở rộng mạng lưới lại thị trường Đông Nam Á và Đài Loan.
Còn trong các sàn TMĐT nội địa có Sendo cũng đã được nhận đầu tư tới 51 triệu đô từ 8 nhà đầu tư (FPT, eContext Asia, BeeNext, Beenos,SBI Nhật Bản, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures) và Tiki trong đầu năm 2018 cũng đã được nhà bán lẻ trực tuyến lớn của Trung Quốc là JD.com đầu từ 44 triệu đô la.
Riêng Adayroi với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Vingroup là sàn TMĐT nổi bật duy nhất hiện nay không có nguồn vốn đầu tư từ các quỹ ngoại. Đây sẽ là thách thức khá lớn với Adayroi bởi đằng sau các sàn TMĐT nêu trên đều là các “ông lớn” có nguồn lực và kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Adayroi cũng có một lợi thế mà không sàn TMĐT nào có được đó là hệ sinh thái của Vingroup nếu biết tận dụng hợp lý thì đây sẽ là lợi thế cạnh tranh sống còn của sàn TMĐT này.
Với sự góp mặt của những “người khổng lồ” của thế giới và Châu Á như Amazon, Grab, Go-jeck vào thị trường Việt Nam, ngành TMĐT trong nước hứa hẹn sẽ là một đấu trường nảy lửa và không kém phần khốc liệt.
Lợi thế của Fintech trong xu thế chung của toàn cầu
Được xem là nền kinh tế mới nổi đáng chú ý nhất ở Việt Nam trong những năm gần đây, Tài chính công nghệ (Fintech) đang là món mồi béo bở mà nhiều tập đoàn lớn nhắm đến. Số liệu thống kê cho thấy, tổng giá trị thị trường của ngành này tại Việt Nam trong năm 2017 là 4,4 tỷ đô và dự báo sẽ tăng lên 7,8 tỷ đô la trong năm vào năm 2020. Hiện tại số lượng các công ty Fintech lên tới gần 100 công ty, tăng gần 2,5 lần so với năm 2016 với 40 công ty.
Trong ngành Fintech, lĩnh vực thanh toán đang được chú trọng hơn cả với 30 công ty, đứng thứ hai là lĩnh vực cho vay P2P (peer-to-peer – cho vay ngang hàng) với 10 công ty trên thị trường. Còn lại là các công ty cung cấp các giải pháp hỗ trợ hoạt động của ngân hàng mà không trực tiếp cung ứng dịch vụ tới khách hàng cuối cùng như eKYC (electronic-Know Your Customer: Định danh khách hàng điện tử), bảo mật, quản lý tài sản,…
Các doanh nghiệp công nghệ lớn ở Việt Nam như FPT, Viettel, VNPT cũng đang tham gia vào thị trường bằng cả cách trực tiếp (đầu tư và phát triển các công ty fintech) và gián tiếp (thành lập các quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp, startup trong ngành fintech)
Dựa trên các báo cáo của Liên Hợp Quốc, Smartlink và các bưu điện về những khoản chuyển tiền dưới 5 triệu đồng, Momo đã tổng hợp và đưa ra dự báo quy mô của thị trường fintech lên đến 35 tỷ đô la. Fintech có thể đưa ra các giải pháp giúp thu hẹp khoảng cách cho đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng tới khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính. Đây cũng chính là cơ hội cho các fintech Việt hợp tác với các tổ chức tín dụng nhưng cũng là thách thức khi phải đối đầu với các “đại gia” từ nước ngoài như Grab, Alibaba, WechatPay đang dần thâm nhập thị trường VN.
Tính tới hết năm 2018, đã có 117 triệu đô được đầu tư vào các startup về fintech tại Việt Nam, con số đã dự báo trước về môi trường cạnh tranh khốc liệt của thị trường này.
Phó Tổng giám đốc FPT Software, ông Nguyễn Khải Hoàn nhận định trong giai đoạn hiện tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên trong vòng 5-10 năm tới các doanh nghiệp cần có những thay đổi để bắt kịp sự phát triển nếu không muốn bị đào thải.