Thanh toán điện tử tại Việt Nam: Người dùng chưa quen, nhà đầu tư đã đổ bộ ào ạt

Chia sẻ:
Thanh toán điện tử tại Việt Nam: Người dùng chưa quen, nhà đầu tư đã đổ bộ ào ạt

Mục lục

Mặc nỗ lực của các ngân hàng và công ty FinTech, hầu hết người tiêu dùng đều quay lưng với thanh toán trực tuyến, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn hiện hữu. Tuy nhiên, trong vòng 3 năm trở lại đây, các nhà đầu tư trong và ngoài nước liên tục rót tiền vào thị trường thanh toán trực tuyến tại Việt Nam. Sự mâu thuận này liệu có phải là tín hiệu khả quan cho một xã hội phi tiền mặt?

Người Việt chưa quen với thanh toán trực tuyến

Hiện nay, hầu hết công ty hiện nay đều trả lương cho nhân viên qua hệ thống ngân hàng. Thế nhưng, nhân viên vẫn rút tiền mặt để chi tiêu, ngay cả mua hàng trực tuyến vẫn chọn CoD (giao hàng – trả tiền mặt). Thực tế này đã rất phổ biến bất chấp sự phát triển như vũ bão của thương mại điện tử.

Người tiêu dùng có nhiều hướng tiếp cận và hành động khác nhau khi mua hàng trực tuyến. Phần đông người tiêu dùng chọn CoD hơn là thanh toán trả trước thông qua các nền tảng thanh toán trực tuyến. Có nhiều nguyên nhân khiến 92% người tiêu dùng ưu tiên CoD, nhưng phần lớn do thói quen sử dụng tiền mặt khó bỏ của người Việt. Chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa và siêu thị vẫn là lựa chọn hàng đầu cùng với thói quen trữ tiền mặt trong ví cá nhân. Nhìn chung thanh toán tiền mặt là điều hiển nhiên tại Việt Nam, thanh toán dễ dàng tại bất cứ điểm mua sắm nào, từ offline đến online.

Mặt khác, người tiêu dùng vẫn còn lo ngại về rủi ro lừa đảo, bị đánh cắp thông tin khi giao dịch trực tuyến. Vì vậy, rất khó để người tiêu dùng từ bỏ CoD để hình thành thói quen thanh toán trực tuyến. Tuy vậy, chưa cần đợi đến lúc người tiêu dùng nhen nhóm ý định với thanh toán trực tuyến, các nhà đầu tư đã nhanh chóng tấn công thị trường này.

Hàng loạt nhà đầu tư “dòm ngó”

Theo khảo sát của World Bank, lượng giao dịch thanh toán trực tuyến của Việt Nam rất hạn chế so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Số lượng giao dịch chỉ đạt 4,9 triệu lượt/năm, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (57,9 triệu/năm) và Malaysia (89 triệu/năm). Việt Nam đích thị là một thị trường chưa quan tâm đến thành toán trực tuyến đầy tiềm năng để khai thác. Thêm vào đó, yếu tố thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển khá muộn so với thế giới và hiện tại đang tăng trưởng ổn định 20%/năm, tạo tiền đề cho thanh toán trực tuyến phát triển. Do vậy, có nhiều lí do khiến các nhà đầu tư rót tiền vào sân chơi mới nổi hơn là chật vật chen chân vào thị trường thương mại điện tử hiện nay.

Chỉ trong 3 năm trở lại đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến. Thị trường Đông Nam Á rơi vào tầm ngắm của Samsung và trong năm 2016 ứng dụng Samsung Pay thay thế thẻ ATM đã có mặt tại Việt Nam. Samsung Pay được cài đặt mặc định trong điện thoại thông minh Samsung. Đây là điều kiện thuận lợi giúp Samsung tác động đến người dùng. Con số 48% thị phần điện thoại thông minh tại Việt Nam đã biến Samsung trở thành một đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực thanh toán di động.

Tương tự Samsung, hàng loạt các doanh nghiệp FinTech đã sớm nhập cuộc. Riêng với ví điện tử, thị trường đã có hơn 20 doanh nghiệp cung cấp, nổi bật là Momo, Vimo, Moca,… Tuy khúc thị trường này chưa phát triển mạnh nhưng những nhà đầu tư trong và ngoài nước đang rất quan tâm. VNG đã nhanh chóng tham gia vào sân chơi mới với Zalo Pay. Tencent rót tiền đầu tư cho Sea với ứng dụng thanh toán AirPay cùng nhiều sản phẩm điện tử khác. Grab Việt Nam với tiền đầu tư từ Didi-Chuxing (Trung Quốc) và SoftBank (Nhật Bản) đã triển khai ứng dụng Grab Pay vừa hỗ trợ cho dịch vụ đặt xe Grab, vừa tạo ra dịch vụ thanh toán cho nhiều ngành hàng thương mại điện tử. Tập đoàn Alibaba cũng không thể bỏ qua thị trường hấp dẫn này bằng việc mua lại Lazada từ Rocket Internet. Trong kế hoạch sắp tới, ứng dụng thanh toán Alipay rất nổi tiếng chuẩn bị du nhập vào Việt Nam hỗ trợ cho Lazada lẫn cung cấp cho nhiều ngành hàng khác. Bằng nhiều cách khác nhau, các doanh nghiệp đang hòa nhập để tạo ra một hệ sinh thái thanh toán điện tử, góp phần nâng cao trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.

Các hình thức của thanh toán trực tuyến hiện nay rất đa dạng. Các loại hình phát triển từ thanh toán chuyển khoản trực tuyến, thanh toán qua thẻ ATM/Visa/MasterCard, giao dịch qua cổng thanh toán Paypal, Ngân Lượng hay 123Pay đến thanh toán tiện lợi qua ví điện tử trên di động. Không chỉ hướng đến thanh toán đơn hàng thương mại điện tử, các doanh nghiệp còn đi sâu vào những ngách nhỏ như nạp tiền điện thoại, mua vé máy bay, thanh toán điện nước, hóa đơn tài chính, đóng bảo hiểm trực tuyến, mua thẻ game,…Tất cả đã mang lại một môi trường thanh toán đa dạng và cởi mở.

Nhà đầu tư đổ bộ vào thị trường thanh toán trực tuyến Việt Nam
Nhà đầu tư đổ bộ vào thị trường thanh toán trực tuyến Việt Nam

Kết luận

Với những đầu tư ồ ạt từ các doanh nghiệp lớn, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt của người tiêu dùng. Điều này có ý nghĩa quan trọng với thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến. Vì vậy, các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến, kể cả những shop nhỏ lẻ cũng nên tích hợp 1 – 3 phương tiện thanh toán trực tuyến để đảm bảo cho việc kinh doanh. Mọi thứ đang dễ dàng và thuận tiện hơn, nhưng nắm bắt cơ hội thế nào phụ thuộc vào tư duy kinh doanh của chính bạn!

>>>> Chỉ số niềm tin quá thấp, khách hàng của bạn chọn kiểu thanh toán nào?

Đừng quên chia sẻ bài viết này nhé!​
Chia sẻ:
Facebook
LinkedIn
Twitter
Telegram

Chia sẻ:

Xem thêm các giải pháp hỗ trợ của Boxme giúp
Mở rộng kinh doanh ra toàn
Đông Nam Á