Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), sự phát triển song hành của dịch vụ vận tải và chuỗi cung ứng là xu hướng tất yếu. Trong đó, hậu cần kho vận (fulfillment) dành cho thương mại điện tử, còn được gọi là hoàn tất đơn hàng, là một trong những yếu tố then chốt, bệ đỡ cho sự phát triển vững mạnh của thương mại điện tử.

Hậu cần kho vận cho TMĐT: Ra đời từ nhu cầu của thời đại
Có thể thấy, thương mại điện tử Việt Nam đang trên đà phát triển vững mạnh. Theo báo cáo của Nielsen, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất trên thế giới, đạt tốc độ bình quân 35%/năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Theo đó, quy mô của thị trường được nhận định tuy còn nhỏ nhưng đã cho thấy sức bật mạnh mẽ, ảnh hưởng và làm thay đổi rất nhiều khía cạnh khác trong nền kinh tế. Theo dự đoán của ông Trần Trọng Tuyến, tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, doanh thu đến từ thương mại điện từ sẽ đạt 10 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng lên đến 50% vào năm 2020.

Bài viết liên quan: Xu hướng thương mại điện tử năm 2018

Từ sự phát triển mau lẹ của TMĐT, sự nổi lên nhanh chóng của mô hình bán hàng đa kênh (Omni Channel) như một cách đối phó của các doanh nghiệp với những đe dọa của thời cuộc.  Theo đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp bán lẻ “đơn kênh” truyền thống đang chuyển hướng sang phục vụ “khách hàng đa kênh”. Theo báo cáo của VECOM (2017), hàng loạt doanh nghiệp sở hữu cửa hàng thực tế tham gia vào sân chơi thương mại điện tử. Ngược lại, các doanh nghiệp với định hướng ban đầu phát triển cửa hàng trên môi trường trực tuyến, đã dần đầu tư cho cửa hàng thực tế. Bán hàng đa kênh được tin tưởng sẽ mang lại trải nghiệm thống nhất và liền mạch cho khách hàng. Ngoài ra, “trải nghiệm đa kênh” không chỉ nâng cao sự hài lòng về sản phẩm/dịch vụ mà sự kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng chặt chẽ và gần gũi hơn.

Bài viết liên quan: Thách thức từ chuỗi cung ứng omni channel – Đâu là giải pháp?

Như vậy, nhờ sự kết nối của internet và thương mại điện tử, bán hàng đa kênh đã dần thay thế mô hình bán hàng truyền thống. Tuy nhiên, xu hướng này đã tạo ra nhiều vấn đề doanh nghiệp phải đối mặt. Đó là bài toán giữa sự gia tăng doanh thu và sự hài lòng của khách hàng. Doanh nghiệp phải luôn tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu, xây dựng lòng trong thành của khách hàng trong môi trường cạnh tranh khốc liệt khi TMĐT lên ngôi. Nếu hàng hóa chậm chạp, giao hàng trễ hẹn, hàng hóa bị sai lệch có thể gây ảnh hưởng đến sự hài lòng và cơ hội mua hàng lặp lại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải làm tất cả công việc liên quan đến hàng hóa, liệu có thời gian để thực hiện tốt hoạt động kinh doanh?

Dịch vụ hậu cần kho vận, hoàn tất đơn hàng (fulfillment) là giải pháp hoàn hảo cho những công ty có hệ thống hoàn tất đơn hàng chưa đầy đủ và hoàn thiện do nhiều yếu tố khách quan. Nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ sự thiếu hụt nguồn lực trong khi chi phí đầu tư kho bãi, quy trình quản lí tồn kho, xử lí hàng hóa, vận chuyển không hề thấp.  Do đó, với những đòi hỏi của thời đại, nhu cầu thuê ngoài dịch vụ hậu cần kho vận dành cho thương mại điện tử như một điều tất yếu. Tại Việt Nam, khái niệm fulfillment còn khá mới, tuy nhiên giải pháp này hiện đã và đang phục vụ rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Quy trình dịch vụ hậu cần kho vận – hoàn tất đơn hàng cho TMĐT: Không chỉ là giao hàng!
Quá trình dịch vụ hậu cần kho vận không hề đơn giản, để hoàn tất đơn hàng đòi hỏi một quá trình sắp xếp, quản lí, điều phối để hàng hóa đến tay người mua nhanh chóng và chính xác. Quy trình vận hành dịch vụ hậu cần hỗ trợ cho thương mại điện tử được khái quát như sau:
Nhận hàng từ người bán >>> Sắp xếp và lưu kho >>> Xử lí khi đơn hàng phát sinh >>> Đóng gói hàng hóa >>> Vận chuyển >>> Thu tiền nếu có yêu cầu từ người bán >>> Xử lí các phát sinh sau mua (trả hoặc đổi hàng)

Theo đó, khi sử dụng dịch vụ này, người bán chỉ cần thực hiện nghiệp vụ bán hàng và marketing, với những hoạt động gắn liền với hàng hóa, công ty dịch vụ fulfillment sẽ chịu trách nhiệm. Đây là dịch vụ chuyên nghiệp, hỗ trợ quá trình luân chuyển hàng hóa thống nhất và xuyên suốt, hỗ trợ công việc kinh doanh của người bán hàng đạt hiệu suất tối ưu nhất.

Thị trường dịch vụ hoàn tất đơn hàng tại Việt Nam: Bước đi chậm chạp so với thế giới
Trên thế giới, thị trường dịch vụ fulfillment đang phát triển rất vững mạnh. Thực tế cho thấy, những “gã khổng lồ” thương mại điện tử toàn cầu như Amazon, Rakuten, Alibaba…phát triển vững mạnh một phần nhờ vào “bệ đỡ” fulfillment. Theo đó, thị trường hậu cần kho vận toàn cầu đầy triển vọng và được ước tính tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2014 – 2019. Theo báo cáo của J’son & Partners, doanh thu đến từ dịch vụ hầu cần kho vận dành cho thương mại điện tử sẽ đạt 5.55 tỷ USD.

Tuy nhiên, thị trường hậu cần kho vận trong nước chưa thể theo kịp sự phát triển của thế giới do còn khá lạ lẫm với khái niệm fulfillment. Những ông lớn trong ngành thương mại điện tự tầm cỡ tại Việt Nam như Lazada, Tiki hay Sendo,.. lựa chọn việc sở hữu hệ thống hoàn tất đơn hàng riêng. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì chất lượng dịch vụ của mỗi doanh nghiệp, bởi việc giao hàng cũng như hoàn tất đơn hàng đang là một trong những yếu tố cốt lõi để có được sự hài lòng của khách hàng cũng như tối ưu chi phí về quản lý việc hậu cần. Tuy nhiên, nhiều sàn thương mại điện tử hay các công ty vừa và nhỏ trong ngành vẫn còn tương đối bỡ ngỡ với khái niệm này.

Boxme Global, một start-up về e-logistics thành lập năm 2015, được xem như là công ty tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ hậu cần kho vận và hoàn tất đơn hàng, phục vụ cho thương mại điện tử. Cho đến hiện tại, Boxme vẫn đang là công ty đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam kinh doanh chuyên nghiệp dịch vụ này, với nền tảng công nghệ vững chắc và sự đầu tư nghiêm túc vào chuỗi vận hành dịch vụ. Hoạt động dưới mô hình một công ty công nghệ cung cấp giải pháp về e-logistics, Boxme liên kết nhiều hãng vận chuyển lớn như ViettelPost, DHL eCommerce, EMS và cả những start-up trong ngành như giaohangtietkiem, shipnhanh,…để mang đến cho người dùng giải pháp tối ưu về chi phí cũng như sự tiện lợi. Nền tảng dịch vụ của Boxme không chỉ hoạt động trong nước mà còn mở rộng ra nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, cụ thể là Phillipnes, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và hệ thống dần hoàn thiện tại Mỹ.

Có thể thấy, sự xuất hiện của dịch vụ hậu cần kho vận cho TMĐT tại Việt Nam vẫn là bước đi chậm chạp so với thế giới. Tuy vậy, sự bắt buộc của thời cuộc sẽ là động lực để fulfillment phát triển song hành thương mại điện tử trong tương lai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *