Đại dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen mua hàng truyền thống của người tiêu dùng Việt?

Chia sẻ:

Mục lục

Thay đổi vì đại dịch

Thời gian cách ly trong đại dịch Covid-19 vừa qua tại Việt Nam đã thay đổi nhiều thói quen tiêu dùng của người Việt. Thay đổi lớn nhất có lẽ phải kể đến việc thay đổi thói quen mua hàng online thay vì ra chợ hoặc cửa hàng truyền thống mua hàng như trước đây. 

Thật khó tin là thói quen mua sắm truyền thống bao lâu nay do ảnh hưởng của dịch bệnh đã được thay đổi chỉ trong vòng vỏn vẹn 1 tháng ngắn ngủi.

 

 

Đối với những người trung niên hơn 50 tuổi, việc tiếp cận mua hàng hóa online dường như còn khá xa lạ đối với họ, một phần do thói quen một phần là do kỹ năng sử dụng các ứng dụng mua hàng còn hạn chế. Nhưng trong thời gian đại dịch, công việc mua bán truyền thống tưởng chừng như ăn sâu bén rễ trong những con người ấy lại phải thay đổi, bắt đầu từ giới trẻ. 

Thay vì để bố mẹ, ông bà mình phải ra ngoài mua hàng tiếp xúc với nhiều người, nhiều bạn trẻ đã xung phong nhận trách nhiệm đi chợ mua hàng trong đợt dịch. Với lợi thế am hiểu công nghệ, việc mua hàng hóa online phục vụ nhu cầu cấp thiết trong đợt dịch Covid-19 đối với họ chỉ là “đơn giản như ăn cháo”. 

Chị Hạnh ở quận 8 cho biết, thời gian dịch vừa qua, chị đã bàn giao toàn bộ trách nhiệm mua hàng cho 2 người con trai. Chị cho biết: “Các con tôi vì muốn tôi hạn chế ra ngoài tiếp xúc nhiều người trong thời gian dịch bệnh nên đã để tôi làm quen với việc chọn mua hàng hóa qua các ứng dụng trên điện thoại. Sau khi lựa xong sản phẩm cần mua thì các bước còn lại các con sẽ thay tôi làm hết. Việc còn lại của tôi chỉ là đợi hàng giao đến để nhận.” 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, thời gian cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19 đã giúp cho nền TMĐT tăng thêm một số lượng lớn người tiêu dùng – những đối tượng trước đây chưa từng quan tâm đến mua sắm online và thanh toán điện tử.

Theo thống kê của ứng dụng mua hàng GrabMart, các loại mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời kì giãn cách xã hội là sữa, mì ăn liền, sữa đậu nành, nước ngọt có ga và xúc xích. GrabMart cũng cho biết, trong tuần thứ 2 cách ly xã hội, số lượng đơn đặt hàng đã tăng tới 91% so với tuần trước đó, đỉnh điểm là ngày đạt doanh số cao nhất vào ngày 31/3.

Shopee – sàn TMĐT phổ biến nhất VN cho biết họ tin tưởng rằng việc mua hàng trực tuyến phục vụ các nhu cầu cần thiết hàng ngày sẽ là một trong bốn xu hướng TMĐT lớn trong năm 2020.

Shopee cũng cho biết sau đại dịch, thời gian người Việt mua sắm trên ứng dụng tăng tới 25% cho nhu cầu hàng ngày, công việc, trang trí nhà cửa và giải trí. Các mặt hàng bán chạy nhất là tẩy trang, tã bỉm, điện thoại, sữa, nồi và chảo. 

Giám đốc điều hành của Shopee Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh cũng nhận định: “Năm 2020 đã thay đổi cách sống, làm việc và mua sắm trực tuyến.” 

 

Theo nghiên cứu thị trường của Iprice, mặt hàng chủ lực trên các sàn TMĐT đã có thêm sự xuất hiện của ngành hàng tạp hóa trước đây không quá phát triển. 

 

 

Một ví dụ nữa cho việc thay đổi thói quen mua hàng tiêu dùng hàng ngày của người Việt từ hình thức truyền thống sang mua hàng online là lượt truy cập trực tuyến vào website bán hàng tạp hóa online Bách Hóa Xanh đã tăng tới 49% chỉ trong tháng 3 so với cả quý IV năm 2019.

“Trong thời kỳ giãn cách xã hội, người tiêu dùng đã chọn mua sắm online như một thói quen mới, điều mà nhiều doanh nghiệp TMĐT thời gian qua đã mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để định hướng khách hàng. Những thói quen này có thể được giữ lại ngay cả sau khi dịch bệnh chấm dứt.” –  Ông Trương Văn Quý, Giám đốc điều hành của học viện tiếp thị EQVN nhận xét.

Thói quen mới, cơ hội mới

Với việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, các hộ gia đình thường có thói quen chi mạnh vào các dịp cuối tuần. Tuy nhiên khi mọi người dần quen với việc mua hàng online thì thời gian chi tiền cho việc mua sắm này cũng thay đổi theo. 

Theo thống kê của Shopee, trong những tháng gần đây hoạt động mua sắm trên nền tảng này tăng mạnh vào thứ 4 và thứ 6 cho thấy thói quen hiện đã thay đổi – hoàn tất các đơn mua sắm trước cuối tuần. Thống kê cũng cho thấy thời gian vàng cho việc mua hàng là lúc 12 giờ trưa và 9 giờ tối, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng thường tận dụng thời gian nghỉ trưa và thời gian trước khi đi ngủ của họ để mua sắm online. 

Ứng dụng gọi xe Grab cho biết người dùng của họ có xu hướng đặt mua hàng trên GrabMart nhiều hơn vào giữa tuần và cuối tuần. Cụ thể là xu hướng đặt mua tăng vọt vào lúc 3 giờ chiều ngày thứ 3; 10 giờ sáng và 3 giờ chiều thứ 7. 

“Những khung thời gian này có thể thể hiện rằng người tiêu dùng đang chuẩn bị bữa ăn cuối tuần cho gia đình hoặc dự trữ thực phẩm cho tuần tiếp theo” – Grab nhận định. 

Nhờ ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các chính sách từ các doanh nghiệp, thói quen thanh toán tiền mặt của người tiêu dùng Việt cũng đã thay đổi. 

Shopee cũng xác nhận rằng những tháng gần đây khách hàng của họ cũng đã hạn chế thanh toán tiền mặt hơn trước. 

Theo ví điện tử Moca, số người lần đầu tiên thanh toán online trên ứng dụng Grab tăng 22,5% trong tháng 3 so với tháng trước đó. Trong đại dịch, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm 43% trong đó 70% dành cho GrabMart.

Ông Dũng (phó chủ tịch VECOM) đánh giá rằng: Trong thời gian đại dịch, các doanh nghiệp không sớm phát triển hình thức TMĐT sớm đã bị bỏ lại phía sau, trong khi những doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị cho nó nhưng chưa ra mắt đã chiếm được lợi thế trong đợt dịch Covid-19 này. 

Anh Nguyễn Minh Đức, CEO của công ty tư vấn kinh doanh IM Group, cho biết số liệu của Google về số lượng tìm kiếm mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng 40% trong tháng trước. “Đây là một cơ hội nhưng cũng là một thách thức”, anh chia sẻ.

Một góc nhìn khác được chia sẻ bởi bà Vũ Thị Nhật Linh – phó tổng giám đốc sàn TMĐT Tiki. Bà thấy rằng các doanh nghiệp có thể tận dụng những kênh online để tiếp cận khách hàng tuy nhiên sự thiếu sót về cơ sở hạ tầng cũng như kinh nghiệm thực tiễn về bán hàng trực tuyến sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Tiki cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ sợ mở rộng kênh phân phối trên các trang web thương mại điện tử, vì ba “nỗi sợ” – nỗi sợ không bán được, sợ không thể quản lý và sợ mất tiền.

Ông Dũng cũng cho biết 70% thị phần TMĐT tại Việt Nam phát triển tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, với 30% còn lại phát triển rải rác tại các địa phương khác. Vì sự chênh lệch đó, VECOM đã hợp tác với Tiki và IM Group để thực hiện dự án hỗ trợ 500.000 doanh nghiệp phát triển kỹ thuật số và phát triển TMĐT bền vững. Dự án được triển khai nhằm mục đích cân bằng tỷ lệ để TMĐT tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ rút xuống còn khoảng 50% và các tỉnh, thành phố khác sẽ chiếm 50% còn lại vào năm 2025.

Theo công ty tư vấn GlobalData của Anh, giá trị thị trường TMĐT của Việt Nam ước tính sẽ tăng lên mức 349,5 nghìn tỷ đồng (17,3 tỷ USD) vào năm 2023 từ mức 218,3 nghìn tỷ đồng (9,4 tỷ USD) vào năm ngoái.

                                                                                                                                                      Nguồn: vnexpress

Boxme là mạng lưới dịch vụ hậu cần hỗ trợ thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á, giúp người dùng triển khai các chiến dịch bán hàng online xuyên biên giới theo cách dễ dàng và tiết kiệm chi phí nhất.

Đừng quên chia sẻ bài viết này nhé!​
Chia sẻ:
Facebook
LinkedIn
Twitter
Telegram

Chia sẻ:

Xem thêm các giải pháp hỗ trợ của Boxme giúp
Mở rộng kinh doanh ra toàn
Đông Nam Á