
Theo báo cáo quý I/2025 từ Metric.vn, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh số lẫn sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, đằng sau con số ấn tượng đó là sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa các nhà bán nhỏ lẻ và các đơn vị vận hành quy mô lớn – phản ánh những thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng cũng như cấu trúc thị phần của các nền tảng TMĐT.
Doanh số tăng mạnh, nhưng số lượng nhà bán lại sụt giảm
Trong quý I/2025, tổng doanh số thị trường TMĐT Việt Nam đạt 101,4 nghìn tỷ đồng – tăng 42,29% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hàng hóa tiêu thụ cũng tăng 24%, đạt 950,7 triệu sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng nhà bán phát sinh đơn hàng lại giảm còn 472.500 shop, tương đương mức sụt giảm 7,45% (tương đương hơn 38.000 shop rời khỏi thị trường). Dữ liệu thống kê từ 4 sàn chính gồm Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop.
Ngược lại, nhóm nhà bán có doanh số lớn ghi nhận mức tăng trưởng đột phá. Đặc biệt, số lượng shop đạt doanh số từ 50 tỷ đồng trở lên đã tăng gần gấp đôi (+95%) so với quý I/2024 – cho thấy sự dịch chuyển rõ nét trong cục diện thị trường: các nhà bán chuyên nghiệp, có nền tảng vận hành vững chắc đang dần chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu.
TikTok Shop bứt phá, Lazada và Tiki gặp khó
Một điểm nổi bật khác trong quý I/2025 là sự thay đổi thứ hạng giữa các nền tảng TMĐT. TikTok Shop vươn lên mạnh mẽ với mức tăng trưởng doanh số ấn tượng (+113,8%), giúp gia tăng thị phần từ 23% lên 35%. Trong khi đó, Lazada và Tiki ghi nhận sự sụt giảm lần lượt là 43,5% và 66,6% doanh số so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến này phản ánh xu hướng tiêu dùng mới – nơi người dùng ưu tiên trải nghiệm trực quan, tương tác và giải trí trong quá trình mua sắm, thay vì hình thức TMĐT truyền thống.
Hà Nội, TP.HCM vẫn giữ vai trò trung tâm, nhưng các địa phương vệ tinh đang tăng tốc
Theo dữ liệu từ Shopee, hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM tiếp tục giữ vai trò trung tâm logistics với 81% tổng doanh số từ các kho hàng nội địa. Tuy nhiên, nhiều địa phương khác như Bình Dương, Đà Nẵng hay Nam Định cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh số đáng kể – cho thấy xu hướng mở rộng mạng lưới logistics và tối ưu vận hành TMĐT đang ngày càng lan tỏa.
Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên sản phẩm tầm trung
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, người tiêu dùng Việt có xu hướng ưu tiên các sản phẩm có mức giá hợp lý. Nhóm sản phẩm có giá từ 100.000 – 200.000 đồng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, chiếm tỷ trọng cao nhất cả về doanh số và sản lượng trong quý I/2025 (tăng từ 22,7% lên 25,9%).
Ngược lại, nhóm sản phẩm có giá từ 1 triệu đồng trở lên lại giảm thị phần từ 19,4% xuống còn 17,2%. Xu hướng này phản ánh sự cẩn trọng trong chi tiêu, đồng thời mở ra tiềm năng lớn cho các mặt hàng thuộc phân khúc phổ thông – tầm trung, đặc biệt trong các ngành hàng như làm đẹp, thời trang, mẹ & bé…
Dự báo quý II/2025: Tiếp đà tăng trưởng nhờ các đợt kích cầu và chuyển dịch hành vi tiêu dùng
Dự kiến trong quý II/2025, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với doanh số ước đạt 116,6 nghìn tỷ đồng (+15%) và sản lượng khoảng 1.112 triệu sản phẩm (+17%) so với quý trước.
Các yếu tố được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng bao gồm:
- Hiệu ứng mua sắm từ các chương trình ưu đãi mùa hè, mid-year sale;
- Sự ổn định trong thói quen tiêu dùng trực tuyến;
- Nhu cầu ngày càng cao đối với sản phẩm chất lượng, rõ nguồn gốc.
Song song, các nền tảng TMĐT cũng đang gia tăng đầu tư vào hoạt động logistics, livestream bán hàng và các công cụ hỗ trợ chuyển đổi nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm và tối ưu hiệu quả vận hành cho nhà bán.