Khác với suy nghĩ của nhiều người, Amazon tham gia thị trường thương mại điện tử Việt Nam không giống như cách mà Alibaba đầu tư vào Lazada, JD rót vốn vào Tiki.
Tuy vẫn chưa có thông báo chính thức của Amazon, nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nhiều khả năng Amazon sẽ chọn Việt Nam để thử nghiệm và mở rộng thị trường bán hàng toàn cầu.
“Phía Amazon nhận thấy có rất nhiều website nhận đơn mua hàng về Việt Nam, trong khi đó, ở chiều ngược lại, hầu như không có doanh nghiệp Việt Nam nào rao bán sản phẩm trên Amazon. Vì vậy, họ muốn thúc đẩy theo chiều ngược lại, nghĩa là đưa sản phẩm Việt Nam ra toàn cầu”, ông Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, Amazon sẽ không tham gia vào cuộc chiến thương mại điện tử tại Việt Nam với các đối thủ Lazada, Tiki hay Adayroi. Công ty không xây dựng website riêng tại Việt Nam. Thay vào đó, Amazon sẽ phối hợp với đại diện của Việt Nam để đưa chuyên gia, giáo trình về Việt Nam hướng nghiệp, hướng dẫn xuất – nhập khẩu trực tuyến, bán hàng toàn cầu trên Amazon. Dịch vụ mà Amazon cung cấp là Fulfillment by Amazon (FBA) tại các thị trường sẵn có. Theo đó, Amazon sẽ tự động đóng gói, vận hành nhà kho, xử lí đơn hàng và vận chuyển hàng hóa đến khách hàng toàn cầu.
Tại Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2018 (VOBF 2018), đại diện của Amazon, ông Gijae Seong, Head of Amazon Global Selling Singapore đã chia sẻ về cách thức hỗ trợ bán lẻ trên nền tảng của họ. Ông Gijae Seong cho biết, thị trường bán lẻ toàn cầu đang có xu hướng “thương mại điện tử hóa”. Doanh thu toàn cầu đến từ thương mại điện tử (TMĐT) đạt 2000 tỷ USD (2016) và dự đoán con số này sẽ tăng trưởng hơn 100% trong vòng 4 năm tiếp theo. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành bán lẻ nói chung khi mức tăng trưởng chỉ đạt 26%.
Bài viết liên quan: Cục diện thị trường thay đổi như thế nào sau khi Amazon vào Việt Nam?
Từ thống kê thực tế, Amazon đã có mặt trên 13 thị trường với 300 triệu khách hàng từ 180 nước và lượng người bán khổng lồ đến từ 172 quốc gia khắp thế giới. Với nền tảng khách hàng khổng lồ, Amazon hoàn toàn có thể trở thành bệ phóng bán hàng xuyên biên giới cho các doanh nghiệp. Tại VOBF 2018, vị đại diện này khẳng định các doanh nghiệp hoặc cá nhân Việt Nam ngày nay có thể bán hàng qua thị trường Mỹ, châu Âu mà không cần có văn phòng, nhà kho, cửa hàng thực tế tại khu vực hoặc địa điểm đó.
“Chúng tôi đang xây dựng đội ngũ nhân viên để giúp đỡ người bán, chủ thương hiệu, nhà sản xuất để giúp họ tận dụng kênh phân phối trực tuyến bán hàng toàn cầu, phát triển kinh doanh, tiếp cận khách hàng qua các trang bán hàng của Amazon”, ông Gijae Seong nói.
Mặt khác, ông Gijae Seong nói: “Thế giới đang thay đổi, chúng tôi hi vọng Amazon không còn xa lạ với người bán ở Việt Nam”. Trong thời gian sắp tới, có lẽ động thái “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam của Amazon sẽ rõ ràng hơn với những nước cờ cụ thể hơn từ “gã khổng lồ” TMĐT này.
Bài viết liên quan: 4 xu hướng TMĐT 2018 tại Việt Nam