Năm 2017 chứng kiến nhiều sự thay đổi và dịch chuyển trong thị trường thương mại điện tử (TMĐT) trong nước. Tại thị trường quá năng động như Việt Nam, nhận biết và đón đầu những xu thế mới cực kỳ quan trọng trong điều chỉnh sách lược kinh doanh để thích ứng với thời cuộc.
Năm 2017, thị trường TMĐT Việt Nam tăng trưởng bứt phá do sự phát triển sau muộn so với các nước trên thế giới. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây sẽ là thị trường màu mỡ cho các nhà đầu tư.
Sự phát triển của TMĐT đã kéo theo sự hình thành của mô hình bán hàng đa kênh (Omni channel). Theo đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ truyền thống quy mô lớn bắt đầu chuyển hướng, phát triển song song kinh doanh trên nền tảng TMĐT. Động thái này được xem là sự thích ứng với thời cuộc của những nhà bán lẻ quy mô lớn.
Việt Nam đang chứng tỏ những bước đi toàn cầu theo xu hướng TMĐT. Sự phổ biến của thương mại điện tử xuyên biên giới, nhất là mua và bán hàng quốc tế đang nổi lên nhanh chóng.
Để đáp ứng cho sự phát triển mau lẹ của thương mại điện tử, ngành logistics và chuỗi cung ứng bắt buộc phát triển kéo theo. Sự phát triển của dịch vụ vận chuyển và hoàn tất đơn hàng (fulfillment) là hệ quả tất yếu trong bối cảnh này.
Dưới đây là những nét nổi bật của thị trường TMĐT Việt Nam trong năm qua:
Thị trường vẫn rất hấp dẫn
Tại Việt Nam, thị trường bán lẻ trực tuyến và thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá là “miếng bánh thơm” đầy sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Theo báo cáo của Nielsen tại VOBF 2017, 45% người dân Việt Nam tiếp cận internet với thời gian truy cập trung bình 2 giờ/ngày. Thêm vào đó, hội thảo Creative Commerce 2017 thống kê 91% người dân sở hữu điện thoại thông minh và nhận định sự nổi lên nhanh chóng của các thiết bị kết nối (smartphone, tablet). Đây là những yếu tố quan trọng góp phần chuyển dịch nhu cầu mua hàng trực tuyến.
Theo những điều kiện thuận lợi trên, thị trường TMĐT Việt Nam phát triển ổn định trong những năm gần đây và được kỳ vọng bứt phá trong tương lai. Theo Kantar Worldpanel (2017), thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn thể hiện sức hút và tiềm năng phát triển rất lớn. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thuộc top đầu thế giới với con số ổn định 35%/năm, chỉ đứng sau Thái Lan và Malaysia nhưng dẫn trước những quốc gia phát triển công nghệ như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Nếu trong năm 2013, doanh thu từ các giao dịch trực tuyến chỉ đạt mức 2,2 tỷ USD thì 3 năm sau con số đã tăng lên 4 tỷ USD, chi tiêu bình quân khi mua hàng online tăng từ 120 USD/người lên 160 USD/người. Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng tốc độ tăng trưởng của TMĐT tại Việt Nam có thể đạt đến 50% trong năm 2020, hứa hẹn là một mảnh đất màu mỡ dành cho các nhà đầu tư. Nhận định của ông Tuyến hoàn toàn có cơ sở nếu thị trường vẫn thuận theo đà phát triển hiện tại, sự bùng nổ mạnh mẽ của TMĐT là điểu không khó đoán trong tương lai.
Sự chuyển hướng sang mô hình bán hàng đa kênh (Omni Channel)
Năm 2017, xu hướng bán hàng đa kênh trở nên phổ biến hơn hẳn khi nhiều doanh nghiệp sở hữu cửa hàng online vẫn đầu tư cửa hàng offline và ngược lại. Thực tế cho thấy bán hàng đa kênh mang lại trải nghiệm liền mạch thống nhất giữa “thực” và “ảo” cho khách hàng, tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng, đồng thời tạo nên lợi thế cạnh tranh khác biệt so với đối thủ.
Bài viết liên quan: Làm thế nào doanh nghiệp truyền thống bán hàng TMĐT?
Mô hình Omni channel không chỉ thích hợp với các công ty vừa, nhỏ và rất nhỏ (MSME), mà bối cảnh hiện tại bắt buộc doanh nghiệp lớn phải gia nhập “sân chơi thời đại” này. Có thể thấy hàng loạt nhà bán lẻ danh tiếng trong nước đã và đang đầu tư hệ thống bán hàng trên nền thương mại điện tử như: Lotte Mart, FPT Shop, Thegioididong,… song song với các cửa hàng thực tế. Ngoài ra, chương trình bán hàng và marketing của các doanh nghiệp phải được thực hiện thống nhất trên cả online và offline. Động thái này của các nhà bán lẻ truyền thống là cách ứng phó với mối đe dọa từ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam dự báo mô hình bán lẻ “đơn kênh” sẽ dần bị thay thể bởi bán lẻ đa kênh do sự đòi hỏi của thị trường.
Bài viết liên quan: Mô hình đa kênh và quản lí tồn kho
Những đòi hỏi này xuất phát từ bản chất thị trường Việt Nam rất năng động, nhu cầu của người dân liên tục thay đổi, buộc các nhà bán lẻ phải khai thác và đáp ứng kịp thời. Như đã nêu trên, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có sự dịch chuyển sang xu hướng mua sắm trực tuyến. Theo báo cáo của Google (2015), 73% khách hàng tìm kiếm sản phẩm trên internet trước khi mua hàng, 17% trong số đó quyết định mua hàng trực tuyến. Đồng thời, theo nhận định của Nielsen, ranh giới giữa thực và ảo trong ngành bán lẻ đã không còn rõ rệt khi thương mại điện tử lên ngôi. Ngày càng nhiều người tìm kiếm thông tin sản phẩm tại cửa hàng offline nhưng quyết định mua hàng trên cửa hàng online. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp phải thích ứng và điều chỉnh các chính sách phù hợp với xu hướng “khách hàng đa kênh” để tiếp cận và gắn kết với khách hàng.
Bài viết liên quan: 3 chìa khóa thành công trong mô hình omni channel
Xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới
Bán hàng toàn cầu
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội bán hàng toàn cầu vì những lợi thế thị trường nước ngoài mang lại. Theo báo cáo của Facebook, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ tăng trưởng bán hàng xuyên biên giới thuộc top đầu thế giới. Sự phát triển của internet cùng với TMĐT đã tạo nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến. Trong đó, lợi ích lớn nhất là hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tiếp cận khách hàng, khách hàng dễ dàng tìm kiếm sản phẩm, tiết kiệm chi phí và hạn chế các thủ tục rườm rà của xuất khẩu truyền thống.
Trong năm 2016, theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp xuất khẩu, 11% gia nhập các sàn thương mại điện tử và 32% đã thiết lập quan hệ với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến. Trong 800 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có đến 42% nhận thấy số lượng đơn hàng từ xuất khẩu trực tuyến chiếm 50% doanh thu, 70% doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử mang lại hiệu quả cao. Sự có mặt của Alibaba tại Việt Nam như một bước tiến mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc xuất ngoại hàng hóa. Tính đến năm 2016, đã có hơn 500.000 thành viên Việt Nam gia nhập trang mua bán trực tuyến Alibaba.com. Năm 2016 đánh dấu sự kết hợp của khối liên minh bao gồm Alibaba.com, OSB, VPBank, PTI với gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tuyến qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra, người Trung Quốc có thể tham gia thị trường Việt Nam qua sàn thương mại điện tử Lazada.
Có thể thấy thương mại điện tử đã mở ra một lối đi mới doanh nghiệp Việt Nam trong con đường hội nhập với kinh tế thế giới. Việc bước ra biển lớn không còn khó khăn, đây là cơ hội làm giàu của người Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Mua hàng xuyên biên giới được yêu thích
Theo khảo sát của VECOM, khách hàng cá nhân Việt Nam mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn khách hàng nước ngoài mua sản phẩm trực tuyến từ Việt Nam. Cũng theo nhận định của VECOM, thị trường xuất – nhập khẩu trực tuyến không có sự cân bằng. Nguyên nhân đến từ xu hướng ưa chuộng hàng ngoại của người Việt Nam. Theo báo cáo của Grey Group, 77% người Việt Nam ưa chuộng hàng nước ngoài nhất châu Á, cho đến hiện tại xu hướng này vẫn tiếp diễn do niềm tin vào chất lượng của các thương hiệu nước ngoài hơn hàng nội địa. Bên cạnh đó, trên các thương mại điện tử nước ngoài, có nhiều mặt hàng đa dạng và phong phú với nhiều mức giá khác nhau, phù hợp với nhu cầu của người Việt Nam. Đồng thời, uy tín cao của các sàn thương mại điện tử quốc tế Amazon, Shopify, Alibaba, Rakuten là động lực mua hàng xuyên biên giới của người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với những khách hàng cá nhân, mua hàng trên các trang thương mại điện tử quốc tế đồng nghĩa với khách hàng phải chấp nhận chi phí vận chuyển cao. Để đáp ứng nhu cầu mua hàng với chi phí vận chuyển thấp, dịch vụ mua hộ ra đời phục vụ cho khách hàng Việt Nam mua hàng trên các website thương mại điện tử của nước ngoài, phổ biến nhất là Mỹ. Câu chuyện từ WeShop, thành viên từ hệ sinh thái công nghệ của tập đoàn Nexttech, cho thấy động thái thích ứng của các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam theo xu hướng hiện tại. Cụ thể, WeShop là dịch vụ mua hộ hàng tại hầu hết tất cả các website hàng đầu tại Mỹ với chi phí vận chuyển thấp, tính đảm bảo cao.
Sự song hành của dịch vụ vận tải và chuỗi cung ứng (logistics)
Với sự bùng nổ đầy tính hấp hẫn của thương mại điện tử như đã đề cập, giao dịch trở nên đơn giản, nhanh chóng hơn khi mỗi ngày có hàng trăm, hàng triệu đơn hàng được thiết lập. Do vậy, sự phát triển kéo theo của logistics là hệ quả tất yếu để đảm bảo chất lượng phục vụ, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng với mức độ hài lòng cao. Trong đó, 2 lĩnh vực phát triển gần đây bao gồm: Dịch vụ vận chuyển (Delivery logistics) và dịch vụ hoàn tất đơn hàng (fulfillment logistics).
Sự phát triển của dịch vụ vận chuyển
Theo nhận định của ông Hán Văn Lợi, tổng giám đốc công ty Boxme, 48% khách hàng từ chối mua lặp lại với trang thương mại điện tử đã từng giao chậm hàng. Đồng thời, theo bà Lương Tú Anh, giám đốc công ty Mắt Bão, 24,9% người tiêu dùng phàn nàn về dịch vụ giao hàng. Vấn đề giao hàng và trả hàng luôn là “nỗi đau thầm kín” của khách hàng chấp nhận mua sắm trên môi trường trực tuyến. Trong khi đó, khách hàng nội thành có xu hướng muốn nhận hàng nhanh hơn. Vì vậy, theo xu thế này ngày càng nhiều doanh nghiệp phục vụ dịch vụ vận chuyển gia nhập thị trường như Shipchung.vn, Giaohangtietkiem, Giaohangnhanh,…Ngoài ra, sự có mặt của dịch vụ vận chuyển theo yêu cầu (On-demand) – điển hình như Ahamove, kết nối xe tải dịch vụ với người dùng tương tự mô hình của Grab và Uber. Tất cả dịch vụ vận chuyển đã góp phần đẩy tốc độ quá trình luân chuyển hàng hóa, đáp ứng mong đợi của khách hàng, đồng thời tăng sự hài lòng của khách hàng về dịch vụ mua sắm trực tuyến.
“Chớm nở” dịch vụ hoàn tất đơn hàng (fulfillment)
Thực tế đã cho thấy sự chuyển hướng của các doanh nghiệp sang mô hình Omni channel đang dần rõ rệt. Khi đó, sự hỗ trợ từ chuỗi cung ứng (supply chain), cụ thể là fulfillment đang dần trở thành yếu tố quan trọng trong quá trình vận hành mô hình bán lẻ đa kênh tại Việt Nam.
Các quốc gia phát triển trên thế giới đã quen thuộc với fulfillment và dịch vụ này là nhân tố sống còn trong những cuộc cạnh tranh khốc liệt. Đây cũng được xem là giải pháp trong kinh doanh cả trong nước lẫn quốc tế của các trang thương mại điện tử lớn như Amazon, Target, Walmart,…. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của VECOM, khái niệm fulfillment đối với người Việt Nam vẫn còn mới mẻ trong giai đoạn trước năm 2016. Từ sau năm 2016, dịch vụ này mới dần được biết đến, tìm hiểu và khai thác do yêu cầu bắt buộc đến từ sự phát triển của thương mại điện tử. Tính đến 11/2017, Boxme Global là công ty duy nhất tại Việt Nam triển khai dịch vụ hoàn tất đơn hàng hoàn thiện và đầy đủ. Thành lập từ năm 2015, Boxme đang là giải pháp của hàng triệu người bán hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp trong vấn đề kho bãi, quản lí tồn kho, xử lí đơn hàng và vận chuyển sản phẩm. Cho đến hiện tại, Boxme đã phát triển mạng lưới khắp Đông Nam Á như Thái Lan, Phillipines, Indonesia, Malaysia, Singapore và đang hoàn thiện hệ thống tại Mỹ. Như vậy, Boxme là “kẻ tiên phong” đã làm nên chuyện trong lĩnh vực còn quá mới so với thị trường Việt Nam.
Dịch vụ fulfillment chỉ mới “chớm nở” và phát triển tương đối chậm chạp so với thế giới. Tuy nhiên giới chuyên môn vẫn đầy kỳ vọng vào sự phát triển phồn thịnh trong tương lai cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của đế chế thương mại điện tử.
Bài viết liên quan: Xu hướng thương mại điện tử VN 2018