Ở Hà Nội, tốc độ tăng trưởng lượng khách hàng của BoxMe bình quân là 30% mỗi tháng, còn ở TPHCM đã có 10 khách hàng chỉ sau chưa tới 1 tháng.

Trong những ngày này, BoxMe, công ty con của PeaceSoft, đang tất bật chuẩn bị ra mắt nhà kho chứa hàng thứ 2 tại TP.HCM, sau 4 tháng vận hành thử kho hàng đầu tiên ở Hà Nội. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PeaceSoft, tin rằng giải pháp này sẽ giúp nhà bán hàng thương mại điện tử có thể cắt giảm từ 30-50% chi phí bán hàng.
Mô hình BoxMe không mới trên thế giới nhưng vẫn còn khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam. BoxMe được thiết kế để trở thành trung tâm hậu cần chung cho nhiều nhà bán hàng. Khi đối tác bán được hàng, BoxMe sẽ đóng gói và vận chuyển trực tiếp hàng đến người mua. BoxMe sẽ lựa chọn vận chuyển hàng từ kho hàng gần người mua nhất, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển.

Mảnh ghép đang thiếu
Ngành thương mại điện tử Việt Nam hiện đang ở trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, nhờ thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng song hành cùng hạ tầng internet và thiết bị di động. Thương mại điện tử gồm 2 hoạt động chính: bán hàng và hậu cần (lưu kho, chuẩn bị hàng hóa và giao hàng).
Hậu cần trong thương mại điện tử (gồm trung tâm lưu trữ hàng và các dịch vụ liên quan) hiện chưa được đầu tư đúng mức và đang trở thành “gót chân Asin” của nhiều doanh nghiệp. Theo ước tính của BoxMe, quy mô thị trường ước vào khoảng 400 triệu USD, tức tương ứng với 35-40% quy mô doanh thu của ngành thương mại điện tử.
Nhìn chung, không chỉ ở mỗi lĩnh vực thương mại điện tử, hậu cần luôn là gánh nặng đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê từ nhiều nguồn khác nhau, chi phí hậu cần trên GDP ở Việt Nam là khoảng 21%, trong khi ở Thái Lan là 19%, Trung Quốc là 18% và cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Mỹ (10%).
CTA
Giai đoạn 2012, lĩnh vực vận chuyển đã chứng kiến sự tham gia của nhiều công ty từ nước ngoài, trong nước và start-up mới nổi, như Giaohangnhanh. Peacesoft cũng tham gia với sản phẩm Shipchung. Tuy nhiên, trung tâm hậu cần, làm nhiệm vụ quản lý kho hàng và hoàn tất một đơn hàng, thì lại còn rất nhiều dư địa.
Trên thực tế, BoxMe vẫn nằm trong ý muốn xuyên suốt của Peacesoft từ trước đến nay, đó là trở thành người trung gian giúp kết nối người bán và người mua trên thị trường thương mại điện tử. Những sản phẩm trước đó đều mang tính trung gian như Chodientu.vn và Ebay.vn kết nối giao dịch mua bán, cổng Ngân lượng và mPOS hỗ trợ thanh toán, mô hình Shipchung tìm ra nhà vận chuyển phù hợp. Vì thế, câu chuyện trung tâm hậu cần có thể nói là miếng ghép giúp công ty này hoàn chỉnh mô hình thương mại điện tử.
Tất nhiên, trong miếng ghép này BoxMe không làm toàn bộ. Công ty cung cấp quy trình và công nghệ để xử lý hàng hóa, còn những việc liên quan đến kho hàng thuộc về trách nhiệm của các công ty liên kết, hiện tại là gồm Viettel Post và Kerry Express.
Trên thực tế, xây dựng trung tâm hậu cần cũng là hướng đi tất yếu của các website thương mại điện tử, nhằm chuẩn hóa khâu bán hàng. Quy tụ về một điểm không những có lợi cho người bán, mà còn có lợi cho cả website thương mại điện tử.

Trung tâm hậu cần chung hay riêng? 
Một trung tâm hậu cần chia sẻ sẽ giúp tiết giảm đáng kể chi phí vận chuyển, mang lại doanh thu đáng kể cho cả người bán và trang web thương mại điện tử đó. Trên thế giới có 2 bài học thành công lớn, đó là Amazon ở Mỹ và Alibaba ở Trung Quốc. Hai mô hình bán hàng trực tuyến này nổi danh không chỉ vì hàng hóa phong phú, mà còn vì hoạt động hậu cần thầm lặng ở phía sau với hệ thống nhà kho trải khắp cùng bí quyết tối thiểu hóa chi phí vận tải.
Tuy nhiên, trung tâm hậu cần chỉ có lợi khi có quy mô lớn nhất định nào đó. Ở Việt Nam hiện nay, một số website thương mại điện tử lớn, như Lazada, đã có kho hàng riêng nhưng chỉ phục vụ cho các đơn hàng của họ. Điểm khác biệt của BoxMe là phục vụ nhiều khách hàng, trong đó có cả Chodientu.vn và Ebay.vn của công ty Peacesoft.
Nhiều hãng khác cũng ấp ủ việc xây dựng một trung tâm hậu cần riêng, chẳng hạn như Giaohangnhanh hiện đang tập trung vào mảng giao hàng COD (nhận hàng trả tiền trực tiếp) tới người dùng cuối cùng. Theo ông Nguyễn Trần Thi, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Giaohangnhanh, hướng lâu dài cũng là xây dựng một trung tâm hậu cần. Giaohangnhanh đã có nhà kho khắp cả nước nhưng chỉ để tập trung hàng hóa rồi lại vận chuyển ngay tới tay người tiêu dùng. Theo ông Thi, mô hình trung tâm hậu cần khá phức tạp để quản lý, đặc biệt là hàng tồn kho.
Đây cũng chính là bài toán mà BoxMe phải tập trung giải quyết. Ngoài ra, theo Tổng Giám đốc Hán Văn Lợi, cái khó lớn nhất hiện nay là nhanh chóng mở rộng quy mô và đạt đến mục tiêu: khoảng cách giao hàng tối đa 50 km và giao hàng trong vòng 1 ngày đêm. Theo ông Lợi, bài toán đầu tư hạ tầng không quá khó. BoxMe sẽ hợp tác, tận dụng hệ thống kho bãi của các doanh nghiệp hậu cần khác thay vì đầu tư mới hoàn toàn. Trong năm nay, BoxMe xây dựng và vận hành 2 trung tâm phân phối ở Hà Nội, 3 trung tâm ở TP.HCM (với quy mô từ 1.000-3.000 m2 mỗi kho) và tương lai, dự kiến mở rộng ra 63 tỉnh thành khắp cả nước. Mục tiêu của BoxMe còn là phục vụ cho doanh nghiệp nước ngoài.
Mô hình hậu cần này cũng chịu áp lực thay đổi quy trình và cải tiến liên tục để tối thiểu hóa chi phí hậu cần trong từng giai đoạn. Ví dụ,  hãng bán lẻ Amazon không những liên tục mở mới trung tâm hậu cần ở nhiều nơi trên thế giới mà còn phải thực hiện M&A để tìm ra mô hình hậu cần tối ưu.
Các nhà quản lý BoxMe vẫn đang lạc quan sau hơn 4 tháng chạy thử hệ thống kho hàng này. Ở Hà Nội, tốc độ tăng trưởng lượng khách hàng bình quân là 30% mỗi tháng, trong khi kho hàng đầu tiên ở TP.HCM, dù mới chỉ hoạt động chưa tới 1 tháng, nhưng đã có tầm 10 khách hàng. Tuy nhiên, tương lai phía trước của BoxMe còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường và khả năng vận hành hiệu quả của đội ngũ nhân sự, phần lớn đến từ Peacesoft.

Thanh Phong

nhipcaudautu.vn

Miễn phí dùng thử dịch vụ Boxme 30 ngày

Có thể bạn quan tâm: hậu cần thương mại điện tử, lưu kho hàng hóa, phí lưu kho, quản lý kho hiệu quả, thất thoát hàng hóa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *